Business Analyst với Blockchain (P2)
Business Analyst với Blockchain (P2)
Hello anh em, bài này mình sẽ tiếp tục nói về đề tài: Nghề Business Analyst với Blockchain. Trong phần này mình sẽ đề cập đến 3 nội dung:
- dApps là gì ?
- Tokens là gì?
- Business Analyst với Blockchain
Anh em có thể xem lại phần 1 để hiểu qua về những khái niệm cơ bản trước khi đọc phần 2 nhé.
Nội dung [Hide]
- 5. dApps là gì? (Decentralized Apps)
- 5.1. Cách mà dApps hoạt động
- 5.2. Ví dụ cho dễ hiểu
- a) Weifund – Crowdfunding thông qua blockchain
- b) Virtue Poker – Chơi poker online thông qua blockchain
- c) Ujo Music – Sản xuất âm nhạc thông qua blockchain
- d) ZhongAn – Nuôi gà bằng… Blockchain
- 6. Tokens là gì?
- 7. Business Analyst với Blockchain
5. dApps là gì? (Decentralized Apps)
5.1. Cách mà dApps hoạt động
dApps là những ứng dụng hoạt động trên nên tảng Ethereum. Về khía cạnh kỹ thuật thì bất kỳ dev nào cũng có thể build cho mình một dApp chạy trên nền tảng Ethereum. Tuy nhiên đối với người dùng cuối, có thể mấy cái dApps nó trông có vẻ không khác gì mấy những ứng dụng thường ngày.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì điểm khác biệt của nó nằm ở tầng blockchain. Điểm khác biệt nằm ở cái cách mà các ứng dụng này được vận hành trên nền tảng Ethereum như thế nào. Hay nói cách khác là các ứng dụng này áp dụng công nghệ Blockchain như thế nào.
dApps hoàn toàn là những ứng dụng mã nguồn mở. Và bất kỳ ai cũng có thể access vào để coding cho mình những function tùy theo mục đích sử dụng. Việc chạy các ứng dụng dApps trên nền tảng Blockchain thu hút rất nhiều sự quan tâm trên thế giới. Vì nó có mức độ bảo mật vô cùng lớn và hầu như không hackers nào có thể tấn công.
Trở lại một chút về ví dụ trong phần 1 của mình về Smart Contract. Mẹ mình sẽ sử dụng một dApp và thiết lập ngày sinh của mình trong ứng dụng này. Khi mẹ mình thực hiện giao dịch chuyển tiền cho mình.
Giao dịch sẽ được mã hóa tạo thành các khối (block) và được xác nhận* với các giao dịch trước nó. Tạo ra các chuỗi khối (blockchain) liên kết chặt chẽ với nhau.
Cụ thể hơn, khi có một giao dịch được broadcast lên mạng lưới Ethereum, giao dịch này sẽ được xác nhận*. Và khi được xác nhận, nó sẽ tạo ra 1 cái node. Các node này sẽ được liên kết với các node khác của những giao dịch trước đó. Tạo ra một chuỗi các node được liên kết với nhau một cách phi tập trung. Hay còn được xem là một chuỗi các khối được liên kết chặt chẽ với nhau và không thể bị tác động để tách rời. Đó là công nghệ Chuỗi Khối, là công nghệ Blockchain.
Do đó dữ liệu sẽ được lưu trữ một cách phi tập trung. Và không có một nơi nào, tập trung toàn bộ dữ liệu về các giao dịch mà mẹ mình chuyển tiền cho mình. Nên sẽ không có chuyện hacker tấn công vào một nơi lưu trữ trung tâm để lấy dữ liệu.
* Việc xác nhận có thể được thực hiện bằng hình thức proof of work là đào như Bitcoin. Hoặc proof of stake là bỏ phiếu bầu chọn như Ethereum. Nhưng proof of work là một hình thức lỗi thời và tốn rất nhiều tài nguyên máy tính để đào nên hiện nay hình thức này không được ưa chuộng nhiều.
Cách mà blockchain xử lý một giao dịch. Anh em đọc tham khảo chơi, chứ giải thích cụ thể ra hơi rắc rối :))
(Nguồn: Blockgeeks)
5.2. Ví dụ cho dễ hiểu
Trong thực tế các dApps được xây dựng công phu hơn nhiều so với ví dụ đơn giản trên của mình. Dưới đây là một vài ví dụ:
a) Weifund – Crowdfunding thông qua blockchain
Đây là một dApp dùng để crowdfunding (gọi vốn từ cộng đồng) áp dụng công nghệ blockchain. So với cách gọi vốn cộng đồng thông thường, người dùng sẽ khởi chạy một chiến dịch crowdfunding trên Weifund. Nhưng kết hợp sử dụng Smart Contract.
Cũng giống như ví dụ ở phần 1, nếu dự án sau khi launch đạt một mức doanh thu nào đó. Thì cộng đồng mà đầu tư cho dự án đó (backers) sẽ nhận được một mức phần trăm doanh thu của dự án. Một cách hoàn toàn tự động thông qua Smart Contract.
b) Virtue Poker – Chơi poker online thông qua blockchain
Thực ra nói thông qua ở đây là để vần với 2 ví dụ trên cho dễ hiểu hơn thôi :v Và cũng tương tự 2 ví dụ trên, Virtue Poker dùng blockchain để bảo vệ người chơi poker online. Đảm bảo rằng tiền cược của họ được dùng một cách chính xác. Công bằng giữa các người chơi online với nhau. Và sẽ không bị một bên thứ ba như những nhà phát hành game “can thiệp vào kết quả” của ván poker đó.
Có rất nhiều nhà phát hành game với chiêu trò của mình, họ hoàn toàn can thiệp vào được ván bài của người chơi. Tác động một số thuật toán để có lợi nhất cho họ. Và người dùng cuối như mình thì… hoàn toàn chả biết gì hết.
c) Ujo Music – Sản xuất âm nhạc thông qua blockchain
Một người nghệ sĩ sáng tác một bài hát và đăng ký nó trên nền tảng của Ujo. Thiết lập các điều khoản bản quyền riêng cho bài hát của mình.
Nếu một nhà sản xuất phim muốn sử dụng bài hát đó trong một bộ phim của họ. Thì họ có thể mua quyền sử dụng bài hát, dựa trên các điều khoản bản quyền do nghệ sĩ đặt ra trước đó. Và, mọi thanh toán đều được thực hiện một cách tự động dựa trên các điều khoản trong Smart Contract. Điều này giúp xóa bỏ sự tồn tại của những bên trung gian thứ ba trong ngành như Warner Brothers.
Nói rộng hơn về vấn đề bản quyền âm nhạc thì mình thấy đây hoàn toàn là 1 thị trường gần như “đã chết” ở Việt Nam. Khái niệm “nhạc bản quyền” ở nước mình còn cùi bắp quá. Các trang mp3.zing.vn hay nhaccuatui.com cũng đang chật vật vì vấn đề này. Vì việc “trả tiền để được nghe nhạc” là một thứ quá xa xỉ trong tiềm thức của người Việt mình. Và mình hoàn toàn chưa nhận thức được việc này.
Việc áp dụng Smart Contract vào có thể làm tăng giá trị ngành âm nhạc ở vấn đề “nhạc bản quyền” nhưng nó cũng có rủi ro vô cùng lớn. Vì những thứ liên quan đến tiềm thức của người dùng thì rất khó để thay đổi.
d) ZhongAn – Nuôi gà bằng… Blockchain
Ở bên Trung Quốc, có một công ty công nghệ tên ZhongAn. Và họ đã áp dụng công nghệ Blockchain vào việc nuôi gà.
Lúc bạn ăn một con gà, thịt nó mà vừa dai tới, tươi, không bở thì là gà thả vườn. Còn ăn mà nạc nhiều quá, bở hoặc dai quá thì là gà công nghiệp. Ai mà chả thích ăn gà thả vườn. Gà thả vườn bao giờ cũng đắt hơn gà công nghiệp. Và quan trọng là làm sao để khách hàng biết chắc được rằng: Đó thật sự là gà thả vườn, chứ không phải gà công nghiệp!!! Họ nhận ra điều đó, thế là mỗi con gà họ gắn một cái chíp điện tử dưới chân.
Trong ngày gà di chuyển đi đâu, bao nhiêu mét, tốc độ di chuyển, độ ẩm mặt đất như thế nào, đều được ghi lại đầy đủ. Và thông số của mỗi con gà được lưu trữ trên sổ cái Blockchain. 100% là sự thật, gà như thế nào, ghi lại như thế đấy. Không can thiệp, không lo mất số liệu. Vậy thì còn gì tuyệt vời hơn cho bằng chứng về chất lượng gà thả vườn với những số liệu này nữa đúng không
6. Tokens là gì?
Qua phần dApps vừa rồi và phần Ethereum ở Business Analyst với Blockchain (Phần 1) thì anh em cũng đã hiểu vấn đề với sự liên kết liền mạch với nhau hơn. Ethereum là một nền tảng công nghệ dùng để chạy các dApps. Và để chạy được các dApps này thì phải cần có CryptoCurrency đúng không nào.
Giống như xe hơi muốn chạy được thì phải cần xăng vậy. dApps là xe hơi, Ethereum là đường xá, là cơ sở hạ tầng và CryptoCurrency là xăng.
Tuy nhiên, khi nhắc về dApps chúng ta không thể không nhắc đến Token. Token và CryptoCurrency có vẻ là 2 khái niệm gây confuse cho rất nhiều người, trong đó có cả mình. Lúc trước mình cũng không phân biệt được 2 khái niệm này đâu. Qua tìm hiểu thì mới thấy được mục đích của nó là hoàn toàn khác nhau. Mình sẽ cố gắng giải thích ở góc độ dễ hiểu nhất.
Đầu tiên thì token ở đây không phải là chữ ký điện tử như trong concept về ngân hàng. Bạn có thể hiểu CryptoCurrency là tiền mã hóa và nó được chia thành 2 dạng: Coin và Token.
Coin
- Là tiền mã hóa để thực hiện các giao dịch
- Tồn tại trên chính Blockchain (các khối được nối chuỗi với nhau) của chính loại tiền mã hóa này (do coin là để thực hiện các giao dịch, mà khi giao dịch thì tạo ra chuỗi khối như mình giải thích ở trên).
Token
- Là nguyên liệu để chạy các dApps
- Không tồn tại trên Blockchain (ý là không tồn tại trên các khối được nối chuỗi, vì Token không thực hiện giao dịch nên không tạo ra chuỗi khối). Mà Token được tạo ra từ các dApps chạy trên nền tảng Ethereum (hoặc nền tảng Waves, nền tảng Bitshares hay nền tảng Steem). So với Coin được dùng để thực hiện các giao dịch, thì Token lại dùng để chạy các chức năng của dApps.
Có một ví dụ đơn giản sau để các bạn hình dung rõ hơn về Token. Lúc bạn đi công viên nước Đầm Sen, bạn sẽ bỏ tiền mặt ra mua vé vào cổng. Xong sau đó bạn sẽ được phát một cái vòng đeo tay. Và bạn chỉ được chơi các trò chơi trong công viên nước Đầm Sen chỉ khi và khi bạn có đeo cái vòng đeo tay này. Vòng đeo tay chính là Token, còn vé vào cổng là Coin. Và cả 2 đều là CryptoCurrency.
Cụ thể, bạn vẫn có thể vào đi dạo trong công viên nước Đầm Sen và không chơi gì hết (ngồi giữ đồ cho đồng bọn). Nhưng để chơi được các game trong đây thì chỉ có một cách duy nhất là bạn phải có vòng đeo tay.
Cũng giống như trong thế giới của tiền mã hóa. Bạn chỉ có thể thực hiện được các chức năng trên dApps khi và chỉ khi bạn có Token. Còn Coin ở đây chỉ có tác dụng để trao đổi tài sản, thực hiện các giao dịch hoặc dùng để thực hiện việc mua bán giữa tiền tệ (fiat) và tiền mã hóa. Hoặc giữa các loại tiền mã hóa với nhau. Trong ví dụ này thì coin là vé vào cổng, có tác dụng thực hiện giao dịch dùng tiền VND (là tiền tệ) để mua 1 tấm vé vào cổng (là tiền mã hóa – CrptoCurrency).
Ngoài cách hiểu như trên, Token còn có thể được hiểu như tên gọi của CryptoCurrency, nhưng ở giai đoạn đầu – giai đoạn đang phát triển sản phẩm. Chu trình của 1 sản phẩm blockchain nó sẽ đi như sau:
BƯỚC 1: Gọi vốn– ICO (Initial Coin Offering). Đây là giai đoạn mà đội ngũ phát triển sản phẩm blockchain sẽ kêu gọi vốn từ cộng đồng (hay còn gọi là các nhà đầu tư). Họ sẽ phát hành một số lượng Token hữu hạn và gọi vốn bằng các đồng Token này.
Tức là, họ sẽ đẩy mạnh marketing về sản phẩm blockchain của họ. Họ sẽ làm marketing về sản phẩm của họ có thể giúp thị trường giải quyết được vấn đề này, vấn đề kia. Từ đó, thị trường cảm thấy thuyết phục sẽ dùng Bitcoin hoặc Ethereum (hoặc sau này có thể là tiền tệ như VND hay USD) để mua những đồng Token do chính họ tạo ra.
Sau đó đội ngũ phát triển sẽ dùng Bitcoin hoặc Ethereum nhận được từ nhà đầu tư để quy đổi ra tiền tệ. Và dùng số tiền đó phát triển tiếp sản phẩm theo như roadmap đề ra ban đầu. Đơn giản thì ICO cũng tương tự như IPO vậy (Initial Public Offering).
BƯỚC 2: Lên sàn. Sau khi trải qua quá trình ICO, các đồng Token này sẽ được niêm yết trên các sàn giao dịch. Tuy nhiên khi đã lên sàn thì người ta không gọi đó là Token nữa, mà gọi sẽ là Coin. Mục đích của giai đoạn này là để thực hiện các giao dịch mua bán giữa các Coin với nhau. Quá trình mua bán này tạo ra sự thay đổi giữa cung cầu từ đó làm tăng giá trị của đồng Coin.
Ngoài ra giá trị của đồng Coin sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thông tin, cá mập, đội ngũ phát triển và hàng tỉ thứ khác đang diễn biến trên thế giới. Đó là câu chuyện của những người giao dịch (Trader) và những con cá mập (những người nắm lượng lớn Coin và có khả năng thao túng thị trường của đồng tiền mã hóa đó). Còn về đội ngũ phát triển sản phẩm Blockchain, họ sẽ cứ tiếp tục phát triển sản phẩm và ứng dụng làm sao cho thành công. Đây mới là điều mà một người làm Business Analyst đáng quan tâm.
Như ở Umbala, họ đang nghiên cứu để áp dụng decentralized server. Tận dụng các máy tính “nhàn rỗi” trên toàn thế giới để chạy server. Đây là 1 giải pháp cực kỳ hay cho bài toán tiết kiệm và tối ưu hóa. Golem là đơn vị đang đi đầu trong lĩnh vực này.
7. Business Analyst với Blockchain
Như anh em thấy, Blockchain đã thay đổi cách chúng ta giao dịch. Nhưng nó còn quá trẻ và chắc chắn còn rất nhiều vấn đề để áp dụng được thành công trong nhiều lĩnh vực khác. Với dApps, Smart Contract và công nghệ Blockchain đứng phía sau, Ethereum đang dẫn đầu cuộc cách mạng “Decentralized”.
So với Bitcoin là đồng tiền mã hóa đầu tiên trên thế giới, hoạt động trên mạng lưới các máy tính toàn cầu và đánh bật hoàn toàn những khái niệm về phí giao dịch trung gian. Thì Ethereum cung cấp cho chúng ta một nền tảng công nghệ để phát triển bất cứ sản phẩm Blockchain nào đem lại giá trị cho cuộc sống.
Blockchain, Ethereum, CryptoCurrency, Token, Smart Contract hay dApps. Đó đều là những khái niệm sẽ trở nên quen thuộc dần với thế giới trong năm 2018. Và đáng chú ý hơn, hầu hết những sản phẩm Bockchain hiện nay đều là các giải pháp công nghệ. Một điểm rất gần với chúng ta, những người làm IT Business Analyst.
Thực sự lĩnh vực này thu hút mình tìm hiểu là do tính hữu dụng của nó. Sẽ có rất nhiều lý do để anh em nghiên cứu một khái niệm hay một lĩnh vực nào đó mới. Nhưng tốt hơn hết hãy cho mình một mục đích chính đáng và lĩnh vực tìm hiểu phải thực sự phù hợp với mình.
À có một note cuối về chủ đề này là ngày 04/01/2018 vừa qua, Mark Zuckerberg có đăng một status nói về chuyện học của ổng qua các năm. Hằng năm ổng đều đặt cho mình những thử thách phải học hoặc làm một thứ gì đó mới mẻ. Và trong status của ổng có đề cập đến công nghệ Blockchain. Điều này cũng là một minh chứng cụ thể cho tiềm năng của Blockchain và thực tế thì trên thế giới đã có nhiều ông lớn nghiên cứu về lĩnh vực này rồi.
Tuy nhiên, dù Blockchain có mới và có giá trị cỡ nào, dù anh em có làm BA hay làm gì đi chăng nữa. Nếu hiểu biết về nó để cập nhật xu hướng thế giới thì tốt. Nhưng nếu bản thân mình cảm thấy không phù hợp để tìm hiểu thì cũng đừng bắt bản thân mình tìm hiểu làm gì. Giống như mình nói ở trên, chỉ nên nghiên cứu và tìm tòi những gì mình thích, có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và những người thân xung quanh. Đừng tìm hiểu theo trào lưu. Dành thời gian để đầu tư những thứ khác phù hợp với cá nhân mình sẽ tốt hơn.
Mình hi vọng qua 2 bài về chủ đề Business Analyst với Blockchain này, anh em sẽ:
- Hiểu hơn về 1 số khái niệm cơ bản trong lĩnh vực tiền mã hóa: Blockchain, CryptoCurrency, Ethereum, Smart Contract, dApps và Token là gì?
- Quan trọng nhất là hiểu được giá trị và tiềm năng của các sản phẩm Blockchain.
- Có một sự mapping giữa nghề BA và Blockchain, theo góc nhìn cá nhân của mỗi người
Cảm ơn anh em đã đọc tới đây. Hẹn gặp lại anh em ở một chủ đề khác.
Nguồn: thinhnotes.com