Nguyên tắc não trái – não phải khi lấy yêu cầu
Nguyên tắc não trái – não phải khi lấy yêu cầu
Hế lô anh em, bài này mình tách ra từ bài Dân chơi lấy yêu cầu như thế nào? để nhấn mạnh nguyên tắc cuối cùng để “moi móc” yêu cầu một cách hiệu quả.
Bài này sẽ rất ngắn gọn, nhưng hi vọng nó sẽ giúp ích được nhiều cho anh em khi lấy yêu cầu
Nội dung [Hide]
- 1. Cách thông thường
- 2. Nguyên tắc não trái – não phải
1. Cách thông thường
Một trong những cách mà BA thường làm để lấy yêu cầu là kết hợp Interview và Questionnaire.
Tức là anh em cần chuẩn bị trước 1 bảng danh sách các câu hỏi, về từng nhóm nghiệp vụ dự định sẽ làm việc với khách hàng. Vô workshop, mình sẽ nhặt từng câu ra và hỏi, đại loại như vậy.
Cách làm này dựa trên một nguyên lý rất đơn giản: Không hiểu gì >> hỏi đó, và có sự chuẩn bị trước.
Nhưng vấn đề ở chỗ: thường thì mình đã có câu trả lời giả định cho các câu hỏi đó rồi.
À há!
Và tâm lý con người thường là…
Khi mình hỏi người khác một vấn đề, mình chỉ trông chờ họ trả lời đúng như câu trả lời giả định của mình. Nếu họ làm ngược lại, thì 96,69% là mình cho họ sai.
Và đặc biệt: bản thân mình hề không thích điều này!
Ví dụ.
Anh em rủ thằng bạn đi ăn bánh canh ở một quán ruột, phải nói là ngon số dách.
Vô ăn, mình hỏi nó một câu: “Ngon không mậy?”.
Thì lúc này, có phải mình chỉ trông chờ nó: gật đầu lia lịa rồi nói ngon thôi đúng không?
Vì câu trả lời giả định của mình chắc chắn phải là ngon rồi. Nó mà trả lời dở ẹc thì mình thấy ghét vô cùng.
Vì đó không phải là điều mình trông chờ.
.
.
.
BA lấy yêu cầu cũng vậy.
Mình có thiên hướng chờ khách hàng trả lời theo đúng ý mình đang giả định trong đầu, (true story).
Nếu khách hàng trả lời không đúng ý mình giả định, thì thôi rồi, sẽ là một nùi rối rắm hiện lên trong đầu.
Tin mình đi, theo bản năng tự nhiên, lúc đó anh em sẽ tập trung mãi vào câu trả lời của họ.
Cố gắng ngồi rặng não để phân tích, suy xét, nhằm mục đích hiểu được tường tận câu trả lời của họ. Và khi đó, chắc chắn mình sẽ bị miss rất nhiều thông tin mà khách hàng trả lời tiếp sau đó.
Đây là điều chắc chắn!
…
2. Nguyên tắc não trái – não phải
Đây là cách mình tham khảo từ trang ReqExpert và đã áp dụng khá hiệu quả. Tạm gọi là: PHÂN LOẠI CÂU TRẢ LỜI (dựa trên nguyên tắc não trái – não phải).
Như anh em cũng biết, não trái là thiên về những gì logic, chặt chẽ, thực tế. Não phải thì ngược lại, thiên về sáng tạo, bay bỏng và cảm xúc…
Do đó, khi tiếp nhận những thông tin nằm trong dự tính, não trái mình sẽ khởi động ngay. Ngược lại, với những thông tin mới, chưa ngờ tới, não phải mình sẽ khởi động để tiếp nhận.
Áp dụng vô bảng Questionnaire như thế nào?
Thông thường chúng ta sẽ có bảng Questionnaire theo khuôn mẫu tựa như sau.
Nhưng đó chỉ mới là Questionnaire phiên bản “trường mẫu giáo”. Anh em sẽ nâng cấp nó lên như sau.
Thay cột Answer bằng 2 cột: Left Answer và Right Answer.
- Với những câu trả lời khớp với giả định của mình, khớp với những suy nghĩ ngay từ đầu của mình, và mình cho rằng nó đúng thì mình ghi vào cột bên trái: Left Answer.
- Ngược lại, với những câu trả lời khác với giả định của mình, những câu trả lời theo mình là mới, mình không ngờ tới, hoặc thậm chí còn nghi ngờ cả tính đúng đắn của nó, thì mình ghi vào cột bên phải: Right Answer.
Nó sẽ như thế này.
Thế là xong
Điều này sẽ giúp anh em bắt kịp những câu trả lời và giải thích tiếp theo của khách hàng. Nhưng vẫn kịp thời phân loại được:
- Đâu là theo những gì mình hiểu, mình giả sử.
- Đâu là những thông tin mới, mình chưa nghĩ tới bao giờ.
Nó sẽ giúp anh em hệ thống lại mọi thứ rất rất rõ ràng. Sau đó mình cứ từ từ giải quyết những điểm còn đang lăn tăn phát sinh thôi.
Về cơ bản thì anh em vẫn có thể giữ nguyên bản cũ, và đánh dấu lại những điểm khó hiểu, nằm ngoài dự tính của mình. Nhưng như vậy sẽ rất rối, và sau này mất công tổng hợp lại, tốn thời gian.
Thể hiện như vầy, anh em sẽ có được sự đối chiếu dễ dàng hơn giữa các phần trả lời của khách hàng.
.
.
.
Vậy thôi, hi vọng note nhỏ này sẽ gợi ý chút gì đó cho anh em ở các buổi elicitation sắp tới Có gì cần trao đổi cứ để lại comment bên dưới cho mình nhé. Bái baiiiii.
Nguồn: thinhnotes.com