Kinh Kim Cương
Công phu sáng thứ 2
Tĩnh tọa - 20 tới 30 phút
Kinh hành im lặng - một vòng
Kệ mở kinh
Nam mô đức Bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (3 lần) (C)
Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)
Trì Tụng
Hướng về Bụt và thánh chúng trên hội Kỳ Viên (3 lần)
KINH KIM CƯƠNG
Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não
Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ, với đại chúng khất sĩ gần một ngàn hai trăm năm mươi vị. Hôm ấy vào giờ khất thực, Bụt mặc áo và ôm bát đi vào thành Xá Vệ. Trong thành, Người theo phép tuần tự ghé từng nhà khất thực. Khất thực xong, Người về lại tu viện thọ trai. Thọ trai xong, Người xếp y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.
Lúc ấy, từ chỗ ngồi của mình trong đại chúng, thượng tọa Tu Bồ Đề đứng dậy, trịch vai áo bên phải ra, quỳ chân trái xuống, chấp tay cung kính bạch với Bụt rằng: "Thế Tôn, Người thật là bậc hiếm có! Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ tát. Thế Tôn, những người con trai hiền và những người con cái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao mà điều phục tâm mình?"
Bụt bảo Tu Bồ Đề: "Các bậc Bồ tát đại nhân nên hàng phục tâm mình bằng cách quán niệm như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sanh như thế, mà kỳ thực ta không thấy chúng sanh nào được giải thoát. Vì sao? Này Tu Bồ Đề, nếu một vị Bồ tát mà còn có khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh và về thọ giả thì vị ấy chưa phải là một vị Bồ tát đích thực. (C)
"Này nữa, thầy Tu Bồ Đề, vị Bồ tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố thí. Tu Bồ Đề, Bồ tát ta nên bố thí theo tinh thần ấy, không dựa vào tướng. Vì sao? Nếu Bồ tát bố thí mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không nghĩ bàn. Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Không gian về phương Đông có thể nghĩ và lường được không?"
"Bạch đức Thế Tôn, không."
"Này thầy Tu Bồ Đề, không gian về phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên và phương Dưới có thể nghĩ và lường được hay không?"
"Bạch đức Thế Tôn, không."
"Này thầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ tát không nương vào đâu để thực hiện phép bố thí thì phước đức cũng nhiều như hư không vậy, không hề nghĩ được, không hề lường được. Các vị Bồ tát nên trú tâm theo những lời chỉ dẫn vừa đưa ra."
"Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như lai qua thân tướng hay không?"
"Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng."
Bụt bảo thầy Tu Bồ Đề: "Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lừa gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai."
Thầy Tu Bồ Đề thưa với Bụt rằng: "Bạch đức Thế Tôn, trong tương lai, khi nghe những câu nói như thế người ta có thể phát sinh được lòng tin chân thật hay không?
Bụt bảo: "Thầy đừng nói vậy. Năm trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, vẫn sẽ có những người biết giữ giới và tu phước, và những người ấy khi nghe được những lời như trên cũng có thể phát sinh lòng tin và nhận ra đó là sự thật. Ta nên biết rằng những người ấy đã gieo trồng những hạt giống tốt không phải ở nơi một vị Bụt, hai vị Bụt, ba, bốn, năm vị Bụt, mà thật sự đã gieo trồng những hạt giống lành ở nơi vô lượng ngàn muôn vị Bụt. Người nào, chỉ trong một phút giây thôi phát sinh niềm tin thanh tịnh khi nghe những lời và những câu ấy thì Như Lai tất nhiên BIẾT được người ấy, THẤY được người ấy và người ấy sẽ đạt được vô lượng phước đức như thế. Vì sao? Vì những người như thế không kẹt vào những khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh, về thọ giả, về pháp, về không pháp, về tướng và về không phải tướng. Vì sao? Nếu còn chấp vào ý niệm Pháp thì còn kẹt vào tướng ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả như thường. Thế cho nên, đã không chấp vào Pháp mà cũng không nên chấp vào không pháp. Vì vậy mà Như Lai đã mật ý nói: Này các vị khất sĩ, nên biết rằng pháp mà tôi nói được ví như chiếc bè, Pháp còn nên bỏ, huống là không phải pháp." (C)
Bụt hỏi thầy Tu Bồ Đề: "Thửa xưa lúc còn theo học với Bụt Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì chăng?"
"Bạch đức Thế Tôn, không. Ngày xưa khi còn học với Bụt Nhiên Đăng, Như Lai không đắc pháp gì cả."
"Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Bồ tát có trang nghiêm cõi Bụt chăng?"
"Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Trang nghiêm cõi Bụt tức là không trang nghiêm cõi Bụt, vì vậy nên mới gọi là trang nghiêm cõi Bụt."
"Như thế đó, thầy Tu Bồ Đề, các vị Bồ tát đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên dựa theo sắc mà phát tâm, cũng không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm. Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ."
"Tu Bồ Đề ơi, Bồ tát khi phát tâm bồ đề vô thượng thì nên buông bỏ tất cả các khái niệm, không nên dựa theo sắc mà phát tâm, không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô trụ."
"Như Lai đã nói tất cả khái niệm đều không phải là khái niệm, và tất cả các loài chúng sanh đều không phải là loài chúng sanh. Tu Bồ Đề, Như Lai là kẻ nói lời chính xác, là kẻ nói lời đúng với sự thật, là kẻ nói lời phù hợp với thực tại, là kẻ nói lời không dối trá, là kẻ chỉ nói một lời. Tu Bồ Đề, nếu có pháp mà Như Lai đã đắc thì pháp ấy không phải thật cũng không phải hư."
"Tu Bồ Đề, nếu Bồ tát còn dựa vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, Nếu Bồ tát không dựa vào pháp mà bố thí cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được mọi hình và mọi sắc.(C)
"Tu Bồ Đề, các vị đừng bảo rằng Như Lai có ý niệm "ta sẽ độ chúng sanh". Tu Bồ Đề, đừng nghĩ như thế. Tại sao vậy? Sự thật thì không có chúng sanh nào cho Như Lai độ. Nếu Như Lai nghĩ là có thì Như Lai đã vướng vào khái niệm ngã, khái niệm nhân, khái niệm chúng sanh và khái niệm thọ giả rồi. Tu Bồ Đề, cái mà Như Lai nói vốn là có ngã vốn không phải là có ngã mà người phàm phu lại cho là có ngã. Này Tu Bồ Đề, kẻ phàm phu đó, Như Lai không cho là phàm phu nên mới gọi họ là phàm phu."
"Tu Bồ Đề, có nên quán tưởng Như Lai qua ba mươi hai tướng không?"
Tu Bồ Đề nói: "Thưa vâng, thưa vâng, phải dùng ba mưới hai tướng mà quán như lai".
Bụt nói: "Nếu nói lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai thì một vị Chuyển luân thánh vương cũng là Như Lai sao?"
Tu Bồ Đề nói:" Thế Tôn, con hiểu lời Bụt dạy rồi, không nên dùng ba mươi hai tướng mà quán như lai".
Lúc bấy giờ Thế Tôn nói lên bài kệ này:
Tìm ta qua hình sắc
Cầu ta qua thanh âm
Là kẻ hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai. (C)
"Tu Bồ Đề, thầy đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng một cách đầy đủ. Tu Bồ Đề, đừng nghĩ như thế. Tu Bồ Đề! Thầy đừng nghĩ là khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác ta phải coi các pháp là hư vô, đoạn diệt. Đừng nghĩ như thế. Kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không chủ trương rằng các pháp là hư vô, đoạn diệt."
Sau khi nghe Bụt nói kinh này, thượng tọa Tu Bồ Đề và các vị khất sĩ, ưu bà tắc, ưu bà di và tất cả các giới Trời, Người và A tu la đều rất hoan hỉ, tin tưởng và tiếp nhận để thực hành.
Hồi hướng
Trì tụng kinh thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sanh mọi miền
Pháp môn xin nguyện học
Ơn nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên