Business Analyst với Blockchain (P1)
Business Analyst với Blockchain (P1)
Hello anh em!!! Như tiêu đề thì bài này mình sẽ nói về chủ đề đang rất hot ngày nay, đó là Bitcoin và Ethereum. Hay rộng hơn là Blockchain. Trong bài này, cái quan trọng nhất mình muốn đề cập đến không phải là Bitcoin hay Ethereum. Mà chính là nền tảng đứng sau nó. Người ta tin rằng nền tảng này sẽ trở thành tương lai của công nghệ. Và nó sẽ được áp dụng vào rất nhiều mặt trong cuộc sống. Và là một người làm Business Analyst, chúng ta không thể bỏ qua công nghệ này được. Đó là Blockchain. Business Analyst với Blockchain.
Tóm lược cách mà Blockchain hoạt động
Nội dung [Hide]
- Business Analyst với Blockchain?
- 1. CryptoCurrency là gì?
- 2. Blockchain là gì?
- 3. Ethereum là gì?
- 3.1. Nền tảng công nghệ Ethereum
- 3.2. Từ Bitcoin tới Ethereum
- 4. Smart Contract là gì?
- 4.1. Tự động và… không biết nói dối
- 4.2. Đã có ứng dụng thực tế trên thế giới
Business Analyst với Blockchain?
Chắc chắn rồi. Là một người làm BA, mình nghĩ việc nhạy bén với một kiến thức mới là điều cần thiết. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Blockchain vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và CryptoCurrency chỉ mới là ứng dụng đầu tiên của nó.
Ai cũng biết là tiềm năng và sức ảnh hưởng của Blockchain là vô cùng lớn đúng không. Trên mạng giờ ầm ầm quá trời. Biết đâu chừng mai mốt, Blockchain sẽ là nền tảng của các giải pháp mà BA mình đề xuất cho khách hàng sao :v
Bài viết này sẽ giải thích cho các bạn hiểu Blockchain là gì thông qua một khái niệm khác. Mang tên Ethereum. Cụ thể bài viết này sẽ giải thích những nội dung sau:
- CryptoCurrency là gì?
- Blockchain là gì?
- Ethereum là gì?
- Smart Contract là gì?
- dApps là gì?
- Và Token là gì?
Lưu ý: Phần dưới đây mình có tham khảo từ rất nhiều kênh. Trong số đó là một bài viết rất hay của Kevin Farpella vào 14/12/2017 (Kevin là Co-Founder của cộng đồng Ethereum trên Facebook).
1. CryptoCurrency là gì?
CryptoCurrency là tiền mã hóa (hay còn gọi là tiền thuật toán). Đừng gọi nó là tiền ảo nhé. Vì giờ nó là thật rồi, đâu còn ảo nữa. Bitcoin đã có giá trị trao đổi hàng hóa ở một số nước trên thế giới rồi.
Bitcoin là một CryptoCurrency và sẽ có rất nhiều đồng CryptoCurrency khác tăng trưởng như Bitcoin nữa. Nên đừng gọi nó là tiền ảo, mà gọi là tiền mã hóa thì nghe ổn hơn
Brief sơ về các loại tiền tệ thì như sau: tiền giấy, tiền ảo, tiền điện tử và bây giờ là tiền mã hóa. Tiền ảo thường có trong game, chỉ áp dụng trong một phạm vi nhỏ. Được công nhận bởi một nhóm người và không có giá trị thực ngoài thực tế.
Lý do mà tiền mã hóa ra đời và được mọi người công nhận thì có rất nhiều lý do. Trong đó mình nghĩ 2 yếu tố chính là lạm phát và phí trung gian.
Theo quy luật thì cái cũ không tốt thì sẽ có cái mới sinh ra và khắc phục điểm yếu của cái cũ mà đúng không. Và khi tiền giấy, tiền ảo hay tiền điện tử vẫn còn đang tồn tại với những vấn đề của nó. Thì người ta tin rằng tiền mã hóa phần nào sẽ giải quyết được những vấn đề này. Ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Giờ trên mạng đầy rẫy các tin mất tiền, tự tử vì tiền ảo, vì bitcoin. Thiệt ra mình thấy cái gì cũng vậy. Không hiểu được bản chất mà cứ lao đầu vào như đánh bạc thì vầy là phải rồi @@
Thực tế phũ phàng
2. Blockchain là gì?
Blockchain là công nghệ chuỗi khối. Là thứ đứng sau mấy đồng mã hóa trên. Bạn có thể hiểu Blockchain như một khái niệm về công nghệ. Cụ thể hơn là công nghệ với phương thức lưu trữ dữ liệu phi tập trung (Decentralize). Có nghĩa là nó không tập trung lại vào tay bất kỳ một ông nào hết.
Ngoài ra, Blockchain còn 1 vài yếu tố khác nữa như tính bảo mật, tính minh bạch. Hay các transaction không phải qua trung gian. Những yếu tố này gộp lại làm nên giá trị cho bất cứ thứ gì được tạo nên dựa vào nền tảng Blockchain.
Nếu muốn hiểu rõ hơn về Blockchain thì có thể hiểu theo khái niệm của Don Tapscott (tác giả cuốn Blockchain Revolution). Ông này ổng nói:
- Blockchain là một hệ thống sổ cái điện tử, được dùng để ghi nhận các giao dịch trên thị trường
- Sổ cái điện tử này rất bền vững và hầu như không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ những tác động tiêu cực nào (vì nó lưu trữ dữ liệu phi tập trung, các block được xác thực để liên kết với nhau thành các chain)
- Sổ cái điện tử này được lập trình để không chỉ lưu trữ các giao dịch tài chính, mà còn có thể lưu trữ bất cứ thứ gì có giá trị trên thị trường.
“The blockchain is an incorruptible digital ledger of economic transactions that can be programmed to record not just financial transactions but virtually everything of value”.
Don Tapscott (Blockchain Revolution author)
Trên mạng có rất nhiều tài liệu, anh em nên chủ động tham khảo. Ưu tiên tài liệu nước ngoài vì Việt Nam mình nói về vấn đề này còn rất tiêu cực nên không có nhiều resources hay và chính xác đâu.
Một số Youtube tham khảo mình thấy dễ hiểu:
- How does a blockchain work (overview)
- How Bitcoin Works Under the Hood (in detail)
- Ever wonder how Bitcoin (and other cryptocurrencies) actually work (in detail)
3. Ethereum là gì?
3.1. Nền tảng công nghệ Ethereum
Mọi người thường nói Bitcoin là King còn Ethereum là Queen. Tính đến 16/12/2017, nếu số tiền mà người ta đã bỏ ra để giao dịch Bitcoin là 298 tỉ USD thì Ethereum đã lên tới 66 tỉ USD rồi (Bitcoin ra đời 2008, Ethereum ra đời 2013).
Mọi người hay nhầm hiểu Ethereum là tiền mã hóa. Nhưng thực ra Ethereum là một nền tảng (software platform). Mà ở đó nó cho phép các developer build các ứng dụng dựa trên công nghệ Blockchain.
Với từng ứng dụng được build trên nền tảng Ethereum, nó sẽ sinh ra một loại tiền mã hóa (CryptoCurrency), gọi là Ether (ETH). Các đồng Ether được dùng để vận hành các ứng dụng này.
Bạn có thể hiểu nôm na Ether như là nhiên liệu như xăng, dầu để chạy các Ethereum Applications vậy đó (trên nền tảng Blockchain). Hiện nay trên thế giới ngoài Ethereum ra thì còn có 3 nền tảng khác như: Waves, Bitshares hay Steem.
Nôm na về góc nhìn kỹ thuật là như vậy. Nhưng nếu nhìn ở góc độ kinh tế thì sao? Nếu Blockchain được áp dụng thành công, các ứng dụng chạy trên Blockchain ra đời và giúp giải quyết được các vấn đề hiện nay. Thì chắc chắn, đồng Ether rất có giá đúng không nào.
Càng có nhiều ứng dụng Ethereum được ra đời và áp dụng trong cuộc sống, thì giá trị của Ether càng cao. Giá trị của đồng Ether càng ngày càng tăng là vì người ta tin vào một tương lai không xa, nền tảng Ethereum sẽ giúp giải quyết được rất nhiều bài toán mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay.
3.2. Từ Bitcoin tới Ethereum
Bitcoin sử dụng mạng lưới các máy tính được kết nối internet trên toàn thế giới để maintain các sổ cái. Sổ cái anh em có thể hiểu nôm na là sổ giao dịch, ghi nhận lại toàn bộ tất cả giao dịch, tên tiếng Mỹ là ledger.
Câu vừa rồi có vẻ hơi khó hiểu đối với anh em nào chưa tìm hiểu về Blockchain. Phía trên mình có để 3 video, anh em xem qua video đầu tiên là nắm được concept cơ bản rồi
Năm 2008, Bitcoin được lần đầu tiên giới thiệu ra thế giới. Cùng với đó là công nghệ Blockchain được ra đời. Càng về sau, giá trị của Bitcoin tăng càng mạnh, đây là minh chứng rõ nét nhất cho giá trị mà Blockchain mang lại.
Đó là lúc mà người ta tin vào những gì mà Blockchain có thể mang lại. Người ta tin rằng Blockchain có thể dùng để lưu trữ và theo dõi bất cứ thứ gì có giá trị trên quả đất này.
Vào năm 2013, Vitalik Buterin – một lập trình viên người Canada sinh năm 1994 đã giới thiệu một nền tảng mã nguồn mở. Nền tảng này cho phép người dùng có thể lập trình để xây dựng các ứng dụng dựa trên nền tảng Blockchain. Và các ứng dụng này sẽ phục vụ cho việc trao đổi tiền, tài sản, cố phiếu. Hay bất cứ thứ gì có giá trị một cách tiện lợi, an toàn, công bằng và minh bạch hơn. Đó là khi Ethereum ra đời.
Chân dung nhà sáng lập sinh năm 1994, người đã phát minh ra nền tảng Ethereum
Giống như Bitcoin, Ethereum hoạt động không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào. Điều đó có nghĩa là khi đã “on air” rồi thì không ai có thể kiểm soát và chi phối được chúng.
4. Smart Contract là gì?
4.1. Tự động và… không biết nói dối
“Hợp đồng thông minh”, cái tên quá rõ ràng. Hợp đồng thông minh là tính năng cơ bản nhất của các ứng dụng được built trên nền tảng Ethereum. Một trong những tiêu chí để các nhà đầu tư CryptoCurrency chọn đầu tư đó là đồng Crypto đó có Smart Contract hay không. Vậy Smart Contract là gì?
Smart Contract là 1 hợp đồng điện tử mà nó sẽ thực thi những điều khoản trong hợp đồng 1 cách hoàn toàn tự động và based trên thế giới thực nhé. Nói đến được thực hiện một cách tự động, chúng ta liên tưởng ngay đến mệnh đề If Then cho dễ hình dung nhé. Nếu điều kiện A tồn tại thì thực hiện chức năng B. If A then B.
Ví dụ sang 2018, cứ vào ngày sinh nhật của mình thì mẹ mình muốn tặng mình 500 nghìn mừng sinh nhật. Để chắc chắn rằng mẹ mình sẽ không quên việc này hằng năm thì mình sẽ cho mẹ dùng một ứng dụng trên nền tảng Ethereum có Smart Contract. Smart Contract nói rằng nếu (If) “today = sinh nhật mình” thì (Then) “500 nghìn trong tài khoản của mẹ sẽ được chuyển cho mình kèm theo một dòng tin nhắn” được thiết lập trước. Khi hợp đồng thông minh này được broadcast lên mạng lưới Ethereum. Hành động được thiết lập trong hợp đồng thông minh sẽ được thực hiện một cách tự động.
Ví dụ trên rất đơn giản, chủ yếu để bạn hiểu được Smart Contract nó như thế nào. Ngày nay các giao dịch thường bị trì hoãn bởi hàng trăm lý do khác nhau. Mà hầu như xuất phát từ con người, xuất phát từ chính độ tin tưởng và cam kết lẫn nhau.
Và Smart Contract ra đời như một “lời giải” cho vấn đề này!
Khi con người đã không thể làm việc dựa trên sự tin cậy lẫn nhau thì nên… để máy móc làm dùm. Các giải pháp công nghệ không bao giờ biết nói sai hay lấy lý do. 1 là 1, 2 là 2, 0.00045 bitcoin thì cũng là 0.00045 bitcoin, không hơn không kém.
Có hàng trăm trường hợp có thể áp dụng Smart Contract một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Ví dụ trường hợp cho thuê trọ. Thay vì đầu tháng, tháng này cũng kỳ kèo tiền nhà. Tháng nào cũng xin trễ thêm 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, rồi dồn tới 2 tháng, 3 tháng. Chủ mệt mà người thuê nhà cũng mệt. Biên bản thỏa thuận giữa hai bên lúc đó không có tác dụng nữa rồi vì hai bên có còn niềm tin với nhau nữa đâu. (không có hợp đồng vì bên cho thuê không có tư cách pháp nhân, không nhờ bên thứ ba can thiệp được).
Lúc này áp dụng Smart Contract sẽ giúp giải quyết triệt để bài toán. Nếu (If) today = ngày đầu hàng tháng thì (Then) 2 triệu trong tài khoản người thuê trọ được chuyển sang tài khoản chủ trọ. Problem solved! Khỏi phải tranh cãi hay kỳ kèo gì hết! (Đương nhiên là phải đi kèm những yếu tố luật pháp phù hợp theo từng quốc gia)
4.2. Đã có ứng dụng thực tế trên thế giới
Hãng bảo hiểm AXA của Pháp đã ứng dụng Smart Contract vào 1 gói sản phẩm bảo hiểm của họ (vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm). Một cách rất đơn giản, họ áp dụng như sau:
Gói bảo hiểm mà họ offer cho khách hàng liên quan đến việc di chuyển bằng đường hàng không. Đối với khách hàng mua gói bảo hiểm này, nếu họ bị delay từ 2 tiếng đồng hồ trở lên, hãng bảo hiểm sẽ trả cho họ một khoản tiền bồi thường. Cụ thể, Smart Contract của hãng bảo hiểm này sẽ kết nối với dữ liệu chuyến bay (thông qua GDS – Global Distribution System) của các hãng hàng không partner. Nếu database cho thấy thời gian delay lớn hơn hoặc bằng 2 giờ đồng hồ. Thì một lệnh trong Smart Contract được trigger để chuyển tiền ngay lập tức đến tài khoản của khách hàng.
Hãng bảo hiểm đầu tiên trên thế giới có sản phẩm áp dụng công nghệ Blockchain
Hãy thử tưởng tượng, nếu không có Smart Contract, khách hàng sẽ rất vất vả để claim số tiền bảo hiểm bồi thường. Một mớ bồng bông này liên quan tới việc xác thực chuyến bay bị delay. Bị delay 2 giờ chứ không phải 1 giờ hay 30 phút. Rồi nào là cần phải xác thực bên hãng bay, bên bảo hiểm. Có thể mất từ 1 đến 2 tuần, vâng vâng và mây mây.
Nhưng mớ bồng bông này đã bị thổi vù một phát bởi Smart Contract. Bạn hãy nhìn ví dụ này dưới góc nhìn tích cực và có lợi nhất cho cả 2 bên: khách hàng và hãng bảo hiểm nhé. Vì một số lợi ích kinh doanh ban đầu hay chiêu trò câu kéo khách hàng mà với một góc nhìn nào đó, không áp dụng Smart Contract trong trường hợp này vẫn tốt hơn. Trường hợp này mình không nói đến nhé.
Lưu ý một điểm quan trọng nữa đó là Smart Contract giúp cắt giảm bên thứ 3 (bên trung gian) ra khỏi chu trình giao dịch. Smart Contract đem lại sự nhanh chóng, tiện lợi, đảm bảo được công bằng cho cả 2 bên. Vậy thì còn cần gì đến bên thứ 3 nữa Đó là 1 trong những giá trị to lớn mà công nghệ Blockchain mang lại!
Tuy mọi mặt của vấn đề đều cần xử lý mềm dẻo linh hoạt. Không nên quá khắt khe hay cứng nhắc. Và Smart Contract ra đời vẫn còn đó một vài lỗ hỏng như điều kiện quá thắt chặt của nó. Hiện Smart Contract chỉ mới được áp dụng trong một phạm vi nhỏ để kiểm nghiệm tính hiệu quả và vẫn được tiếp tục nghiên cứu cải tiến.
Công nghệ trên thế giới luôn luôn đổi mới, 2017 là năm của Blockchain. 2018, 2019 và xa hơn nữa, mình tin là blockchain sẽ có tác động cực kỳ lớn đến cuộc sống của chúng ta. Blockchain là một đề tài được cả thế giới quan tâm. Nhưng trên hết, “Business Analyst với Blockchain” mới thật sự là chủ đề để chúng ta tìm hiểu thực tế.
Hiểu là một chuyện, áp dụng lại là chuyện khác. Và áp dụng Blockchain như thế nào để giải quyết được các vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải. Đó mới là cái hay trong nghề Business Analyst!
(Còn tiếp)
Nguồn: thinhnotes.com