Omnichannel và case study về Hoa Ban Food
Omnichannel và case study về Hoa Ban Food
Hello anh em, cuối tuần rồi mình có đọc 1 case study về việc áp dụng Unified Service Desk trong Customer Service. Case study này có đề cập khá nhiều đến “Omnichannel”. Mình cũng từng băn khoăn nhiều về Omnichannel. Không biết thực tế nó là gì và áp dụng ra sao.
Do đó ở bài mở hàng đầu tháng 9 này, mình sẽ giải thích cho anh em hiểu rõ Omnichannel là gì và nó được áp dụng như thế nào?
Nội dung [Hide]
- 1. Multichannel là gì?
- 2. Omnichannel là gì?
- 3. Các giải pháp Omnichannel
- 4. Case study về Hoa Ban Food
- 5. Tại sao phải áp dụng Omnichannel?
- 5.1. Automation
- 5.2. Data
1. Multichannel là gì?
Trước khi nói về Omnichannel thì phải nhắc tới Multichannel một tí. Multi có nghĩa là nhiều, vậy Multichannel có nghĩa là đa kênh, tiếp thị đa kênh, that’s it!
Ví dụ nhãn hiệu Hoa Ban Food chuyên bán đặc sản Tây Bắc đang áp dụng Multichannel marketing. Cụ thể họ marketing và tương tác với khách hàng qua nhiều kênh. Cụ thể họ có:
- 1 website bán hàng là hoabanfood.com
- 1 kênh youtube giới thiệu sản phẩm và văn hóa Tây Bắc là Hoa Ban Food
- 1 hộp mail liên hệ đặt hàng
- 2 số hotline đặt hàng trực tiếp
- 1 fanpage quảng cáo sản phẩm
- Và 1 cửa hàng ở Hà Nội
Đếm sơ sơ thì Hoa Ban Food có đến 6 kênh tương tác với khách hàng. Mục đích là để họ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và để khách hàng tiếp cận họ tiện hơn.
Vì nhiều kênh mà, ai lên website xem sản phẩm chưa đủ phê thì lên youtube xem. Xem youtube chưa phê, muốn chắc cú hơn nữa thì gọi điện thoại hỏi. Gọi chưa ổn nữa thì chạy thẳng ra cửa hàng, xem trực tiếp sản phẩm luôn cho chắc.
Đó là Multichannel, đơn giản vậy thôi. Multichannel khá giống với Omnichannel.
Multichannel (Nguồn ảnh: Shopify.com)
Đa phần giống với Multichannel, nhưng Omnichannel lại có 1 điểm khác biệt lớn so với Multichannel. Điểm khác biệt lớn, nhưng lại không rõ ràng. Xem tiếp phần dưới nhé anh em.
2. Omnichannel là gì?
Cuối tháng 8 vừa rồi, bà chị mình có gửi cho mình đường link của 1 shop bán đồ thể thao nam đang sales dữ dội. Mình cũng tính mua mấy bộ đồ thể thao mặc ở nhà cho mát, nên bấm vào xem.
Lúc đó mình lên website xem sản phẩm, rồi add 2 cái quần, 2 cái áo vô giỏ hàng luôn. Lúc đó mình có chat với shop hỏi có mua lẻ 1 áo 1 quần riêng được không. Chat qua facebook messenger được tích hợp trên website.
Chat một hồi xong tắt máy ăn cơm, chiều lên facebook thì thấy toàn quảng cáo của shop đó. Không những chỉ shop đó, mà còn của mấy shop thể thao khác nữa. Đó là dấu hiệu của Omnichannel. Dấu hiệu để nhận diện thôi chứ chưa hẳn là Omnichannel.
Quảng cáo everywhere, từ website lan tới tận facebook
Thêm 1 ví dụ nữa. Đợt rồi mình có ghé Hawkhost để thuê hosting. Vừa mới ghé đã gặp ngay cái pop-up quảng cáo. Mừng hú hồn vì mình cũng đang loay hoay tìm coupon, mà tự nhiên nay có sẵn.
Popup quảng cáo từ website mua hàng (nguồn ảnh: hawkhost.com)
Thế là click liền vô “Get my coupon now” và tiếp tục shopping. Mình đăng nhập vô Hawkhost, add gói sản phẩm primary hosting vào giỏ hàng và điền thông số đầy đủ hết. Đến đoạn payment mình chọn trả bằng credit card. Nhưng kẹt cái thanh toán gặp lỗi, chả hiểu sao. Chán đời quá đi ngủ luôn, chiều tính tiếp.
Chiều mở máy lên check mail tự nhiên thấy có 1 email gửi đến từ Hawkhost hỏi: Hình như bạn đang gặp khó khăn trong bước thanh toán đúng không? Có cần tụi tui giúp đỡ gì không?
Woaaaaa, y như rằng 1 phút 30 giây sau khi thanh toán không được, Hawkhost đã biết và support mình ngay. Mà lại còn gửi mail hỏi thăm tận tình nữa. Quá good!
Nhờ Hawkhost support, mình biết rằng thẻ credit của mình không available khi thanh toán trên Hawkhost. Và phải thông qua Paypal mình mới proceed payment được. Ví dụ này cũng là một dấu hiệu của Omnichannel.
Vậy túm cái váy lại Omnichannel là gì?
Omnichannel giống với Multichannel, nhưng khác ở chỗ: các channels này được tích hợp với nhau trên một platform. Có 3 từ khóa mình muốn highlight cho anh em là “Integrate” (tích hợp) theo Google Dictionary. “Cross-channel” và “orchestrated to cooperate” (được tổ chức, sắp xếp sao cho tất cả cùng hợp tác, support cho nhau) theo Wikipedia.
Cụ thể, Omnichannel là phương pháp tích hợp các phương thức “shopping” khác nhau để người tiêu dùng thuận tiện nhất có thể.
Hoặc, Omnichannel là một phương pháp đấu chéo các kênh bán hàng/ tiếp thị với nhau để nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng.
Nói tới đây thì chắc còn hơi mơ hồ một chút. Mình sẽ đi detail tiếp như sau.
Omni trong tiếng Latin nghĩa là tất cả.
Omni xuất phát như tiền tố của từ Omniscient, tức là thông suốt, thấu hiểu tất cả.
Còn so với Multichannel, multi chỉ có nghĩa là nhiều thôi. Còn Omni nghĩa là tất cả.
Tiếp theo là chữ “channel”. Lúc mới tìm hiểu mình cũng hơi confuse chữ channel này. Confuse vì không biết ý nó là chỉ sales channel hay marketing channel. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại dù là Sales hay Marketing thì không quan trọng. Do 2 thằng này luôn đi chung với nhau và khó tách rời.
Nên để hiểu đầy đủ và chính xác nhất, anh em cứ hiểu channel ở đây tức là Engagement channel. Tức là các kênh mà mình tương tác với khách hàng. Không quan trọng đó là hoạt động Marketing hay Sales. Miễn là có tương tác với khách hàng (dù online hay offline) và đặc biệt là làm tăng mức độ hài lòng của khách hàng là được
Vậy, Multichannel là nhiều kênh tương tác với khách hàng. Nhưng các kênh này đứng riêng lẻ, độc lập với nhau, không ăn nhậu gì với nhau hết.
Ví dụ như Hoa Ban Food. Mình lên Youtube xem nát kênh Hoa Ban Food luôn. Nhưng rồi lên fanpage cũng thấy bình thường, không gì xảy ra hết. Lên website cũng tương tự, chả có gì đáng chú ý cả. Mình cũng chỉ là một người khách bình thường, tự chọn sản phẩm rồi tự thanh toán online như mọi người khác.
Nhưng Omnichannel thì khác!
Thứ nhất nó giống với Multichannel ở chỗ nó có nhiều kênh.
Thứ hai nó khác với Multichannel ở chỗ là các kênh này được tích hợp lại với nhau, trên cùng một nền tảng.
Ví dụ như shop bán đồ thể thao nam mình có nói ở trên. Mình mua hàng trên website của họ, chat với người ta ở trển luôn. Mà tự nhiên lên facebook thấy quảng cáo của shop đó quá trời.
Ở đây xuất hiện 2 kênh, kênh website và kênh facebook. Mình tương tác trên website, mà tự nhiên trên facebook nhận diện được nhu cầu muốn mua đồ thể thao của mình. Để từ đó hiển thị quảng cáo của shop. Không những của riêng shop đó, mà còn nhiều shop thể thao nam khác nữa.
Chính xác là có sự “integrate” giữa Website và Facebook Ads của shop này. Thực tế là mình chưa order trên website, chỉ mới bỏ sản phẩm vô giỏ hàng thôi. Chat một hồi quên đặt hàng luôn. Rồi chiều lên facebook thấy quảng cáo, nhớ lại chưa đặt hàng với thanh toán nên lên lại website để tiến hành đặt hàng. Điều này làm tăng trải nghiệm người dùng của mình rất nhiều. Vì nếu không nhìn thấy quảng cáo chắc cũng quên béng luôn rồi.
Ở ví dụ này, thứ nhất là nó đa kênh (2 kênh website và facebook). Thứ hai là 2 kênh này thông tin dữ liệu được cho nhau. Và thứ ba là nó giúp tăng trải nghiệm khách hàng. Do đó có thể xem shop thể thao này đang áp dụng Omnichannel ở mức độ đơn giản.
Còn lúc mua hàng ở Hawkhost. Mình gặp khó ngay khâu thanh toán trên website. Cái chiều ngủ dậy thấy email của Hawkhost gửi tới hỏi: có cần tụi tui sụp-pọt gì hông? Dễ thương quá chừng.
Mà hay cái là tự nhiên đang gặp vấn đề trên website, mà Hawkhost liên lạc với mình qua email để cho tiện. Vì họ biết chắc là: chắc gì mình đã nhớ mà vô lại website hoàn thành thanh toán tiếp, liên lạc qua email là chắc cú nhất. Đã vậy còn cho coupon giảm giá ngay từ đầu nữa chứ
Đó là Omnichannel. Khi kênh website và email được tích hợp với nhau, để tăng trải nghiệm khách hàng. Trải nghiệm ở đây là mình thấy rất tiện lợi, giống như được phục vụ tận răng vậy.
So với Multichannel, các kênh của Omnichannel được gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau, nhằm tạo ra một trải nghiệm khách hàng liền mạch và tiện lợi nhất có thể (Hình từ Shopify).
3. Các giải pháp Omnichannel
Nếu search trên google từ khóa “Omnichannel Solution” thì ra sẽ ra rất nhiều kết quả đại loại như:
Rõ ràng có rất nhiều sản phẩm được đóng gói sẵn. Như của Perxtech, Applivon, Zendesk hay Magento. Hàng Việt Nam thì có giải pháp Omnichannel của Haravan và Sapo là nổi trội nhất.
Điều này cho thấy rõ nhu cầu áp dụng Omnichannel là rất lớn. Từ các doanh nghiệp bự, đến SME hay đơn thuần là các nhãn hiệu bán lẻ như Juno, Bitis, The Face Shop hay The Coffee House. Hay thậm chí là các shop thời trang bình dân nữa.
Nhu cầu ngày càng cao, solution cũng được đóng gói sẵn để dễ triển khai, dễ áp dụng, không cần customize quá cầu kỳ và giá thành cũng rất ok nữa. Đó đều là những điểm mạnh của các solutions này.
Còn nói về cách hoạt động của các Omnichannel Solution thì mình sẽ không đề cập ở bài này. Vì thứ nhất nó nghiêng nhiều về kỹ thuật, mà cái BA cần quan tâm hơn hết là: Omnichannel là gì và giúp giải quyết được bài toán gì? Thứ hai là mình cũng chưa làm bất kỳ dự án triển khai Omnichannel hoặc sử dụng bất kỳ solution Omnichannel nào. Nên cũng không dám chém
Nhưng hứa, nếu có cơ hội tìm hiểu thực tế, mình sẽ viết 1 bài về cách các solutions này combine data từ nhiều nguồn và tích hợp các channels lại với nhau như thế nào
4. Case study về Hoa Ban Food
Okay vậy là anh em đã hiểu được Omnichannel là gì và 1 vài ứng dụng của nó. Sang phần này mình sẽ nói chi tiết hơn về các ứng dụng của Omnichannel mà anh em có thể dễ dàng bắt gặp. Thông qua một case study về nhãn hiệu Hoa Ban Food.
Đây là phần mình khoái nhất vì nó thực tế và rất dễ hình dung.
Trước khi bắt đầu thì mình sẽ nói sơ qua về channels một chút. Ở thời điểm hiện tại, anh em có thể chia channel thành 3 nhóm sau:
- Digital: như là Website, Marketplace (sàn Shoppee, sàn Tiki, sàn Taobao, Amazon…), Email hoặc Phone Call.
- Social: chắc chắn là Facebook, Zalo, Instagram, Pinterest hoặc thậm chí là Linkedin.
- Physical: cửa hàng truyền thống (hay còn gọi là brick-and-mortar, tức là vôi-và-gạch-vữa :v ).
*Anh em còn thấy thiếu kênh nào nữa cứ comment bổ sung phía dưới nhé.
Mình sẽ lấy HOA BAN FOOD làm ví dụ vì mình rất thích nhãn hàng này.
“Nếu Hoa Ban Food áp dụng Omnichannel vào hoạt động Sales & Marketing thì chuyện gì sẽ xảy ra?”
.
.
.
(1) Một hôm có một khách hàng tên Toản, xem clip ăn thịt trâu gác bếp trên kênh Youtube Hoa Ban Food thấy hấp dẫn quá. Nên ảnh vào website hoabanfood.com để đặt hàng mua thịt trâu gác bếp.
(2) Ảnh add 2 kg thịt trâu gác bếp vào giỏ hàng với tổng tiền là 1,700,000đ. Nhưng trong tích tắc 1 giây đồng hồ, ảnh bỏ đi và không mua tiếp nữa. Vì lý do tháng này đang hết tiền uống cà phê. Vợ cho có 50k một ngày thôi nên nếu mua là bị lố ngân sách.
(3) Tối đó, sau khi ăn cơm với gia đình xong, ảnh nhận được email gửi đến từ Hoa Ban Food với nội dung: “Hoa Ban Food xin chào anh Toản, tụi em thấy anh đang có 2kg thịt trâu gác bếp trong giỏ hàng, nhưng không tiến hành thanh toán. Anh có gặp khó khăn gì không để tụi em giúp đỡ. Nhân tiện, Hoa Ban Food tặng anh voucher 99k cho khách hàng mua hàng lần đầu tiên tại Hoa Ban Food, mong anh nhận cho tụi em zuiii “.
Đọc mail xong, mặc dù ghiền lắm, nhưng anh Toản vẫn kiên quyết không mua vì hết tiền và ignore email đó luôn.
(4) Tối trước khi ngủ, ảnh lên Facebook dạo mấy vòng thì thôi rồi, lướt vài ba cái là đã thấy quảng cáo giảm 99k trong lần mua đầu tiên của Hoa Ban Food. Sợ bị cám dỗ nên ảnh nhảy qua Instagram chơi thì cũng thấy i chang, lên Zalo cũng bị dính. Chán đời, ảnh lên Youtube xem, thì thôi rồi cứ 5 phút là quảng cáo, mà toàn quảng cáo của Hoa Ban Food mới dễ ghiền chứ.
Ghiền quá mà không làm gì được, anh Toản đành tắt smartphone, leo lên giường ôm vợ ngủ cho qua cơn thèm thuồng thịt trâu gác bếp.
Trong khi đó bên phía Hoa Ban Food, sau khi tấn công anh Toản liên tục trong 1 đêm, Hoa Ban Food mới buông tha cho ảnh được 1 tuần. Nhưng sau đó quay trở lại với một chiêu bài quảng cáo mới, độc hơn.
(5) Một banner từ Google Ads xuất hiện chành dành trên góc phải màn hình khi anh Toản đang lướt bongda.com.vn. “Cùng Hoa Ban Food chung tay quyên góp sách vở và áo quần cho trẻ em nghèo Tây Bắc để có một cái tết Trung Thu thật no ấm!!!”. Một quảng cáo mang tính xã hội rất nhẹ nhàng, chả liên quan gì tới bán hàng hết.
(6) Thấy quảng cáo nhớ lại Hoa Ban Food, anh Toản mới lọ mọ lên website để xem còn sản phẩm nào khác mà giá ok hơn không. Sau một hồi tìm kiếm thì ảnh chấm được 2 hủ gia vị Mắt Khén và Hạt Dổi. Loại này mua về ướp thịt nướng lên cũng ngon, không cần thịt trâu gác bếp nữa.
Nhưng đang lướt web thì bị vợ bắt lau nhà, nên ảnh tắt máy và vẫn chưa mua hàng được.
(7) Trưa đó lên facebook thì tiếp tục thấy quảng cáo của Hoa Ban Food. Vì hành vi xem sản phẩm Mắt Khén và Hạt Dổi của anh Toản đã được lưu vào cookies lướt web. Nên lần này Hoa Ban Food show quảng cáo: “Combo tiết kiệm giảm đến 129,000đ với 1 hủ Mắt Khén, 1 hủ Hạt Dổi và 1 ký thịt trâu gác bếp với chỉ 1,350,000đ”.
Lần này thì coi như gục luôn. Anh Toản thấy hợp lý quá nên click thẳng đường link quảng cáo trên facebook để mua hàng luôn.
(8) Đường link quảng cáo dẫn ảnh tới ngay trang đặt hàng của website Hoa Ban Food. Sau khi nhập đầy đủ thông tin địa chỉ nhà, số điện thoại, hệ thống đưa anh Toản tới trang xác nhận cuối cùng.
Cứ ngỡ là ảnh sẽ đặt hàng thành công, nhưng lại là một thoáng suy nghĩ lướt nhẹ đầu anh: “Mua nhiều quá lỡ về ăn không hợp thì bỏ uống lắm, tới gần triệu rưỡi lận mà, nên thôi…”. Thế là ảnh click nhẹ vào nút Cancel, quảnh mông đi phụ vợ nấu cơm.
(9) Từ đầu tới giờ, anh Toản rất nhay nhưng Hoa Ban Food cũng rất kiên trì. Data về đơn hàng dở dang của anh Toản vẫn còn lưu vết trên hệ thống. Với địa chỉ giao hàng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội và số điện thoại 0909908089. Hệ thống tự động nhận diện và gửi tin nhắn SMS mời anh Toản đến showroom Hoa Ban Food ngay phố Hàng Giấy gần đó, để xem triễn lãm về văn hóa ẩm thực Tây Bắc.
Và thế là anh em cũng biết kết thúc là gì rồi đúng không. Một kết thúc có hậu cho Hoa Ban Food sau nhiều nỗ lực mệt mỏi. Đặc biệt là khi gặp một ông khách lầy lội như Mr. Toản. Anh Toản đã hoàn tất đơn hàng, thiệt hại hết 1,350,000đ.
Quá mệt mỏi! Nhưng, anh em để ý là toàn bộ nãy giờ đều là hệ thống làm tự động hết. Dựa trên các kịch bản rất đầy đủ do Hoa Ban Food đạo diễn và thiết lập vào hệ thống ngay từ trước.
(10) Sau khi mua hàng trong buổi triễn lãm thông qua hệ thống POS tại showroom (kênh physical). Anh Toản về nhà là nhận ngay tin nhắn Facebook Messenger cảm ơn từ Hoa Ban Food.
(11) Chưa hết, 2 ngày sau đó, fanpage Hoa Ban Food tiếp tục gửi tin nhắn cho anh Toản nhờ ảnh review sản phẩm. (Hoa Ban Food biết được facebook anh Toản dựa vào thông tin ảnh cung cấp khi mua hàng trực tiếp tại showroom).
(12) Quá hài lòng, anh Toản quất ngay 5 sao vào form review sản phẩm, nhấn Submit cái rụp. Một email cảm ơn khác lại được gửi tới, nhưng lần này kèm thêm nội dung:
“Giới thiệu bàn bè, trúng ngay nồi chè!!!
Chè đậu Tây Bắc bao ngon, bao bổ. Chỉ cần giới thiệu bạn bè thực hiện đơn hàng trị giá trên 500,000đ, bạn có ngay nồi chè đậu ngon số záchhhhh”.
(13) Và rồi anh Toản giới thiệu cho 1, 2, 3 rồi nhiều người nữa đến mua hàng tại Hoa Ban Food.
Câu chuyện tiếp theo sẽ còn rất dài, nhưng mình nghĩ đến đây là quá đủ rồi Anh em chắc đã thấy được sự lợi hại của Omnichannel.
Điểm sơ sơ nãy giờ hành vi của anh Toản đều được hệ thống nhận diện và tự động phản hồi dựa trên các điều kiện thiết lập sẵn trước đó. Thông qua các kênh: website, email, tin nhắn sms, facebook, zalo, showroom (POS), Hoa Ban Food đã hoàn toàn chinh phục được anh Toản. Một khách hàng rất khó chinh phục, một cách tự động! Đó là sức mạnh của công nghệ, của automation.
Đọc case study trên về Hoa Ban Food, có thể anh em thấy hơi áp lực về quảng cáo. Ngày nào cũng phải đối diện quảng cáo, có online là phải có quảng cáo. Nhưng thời buổi bây giờ là vậy. Quan trọng bây giờ là ai quảng cáo khéo hơn ai và ai hiệu quả hơn ai thôi.
Omnichannel ra đời để tăng tối đa cơ hội tiếp cận khách hàng. Và để khách hàng tiếp cận mình dễ dàng hơn. Chứ không phải mục đích để bao vây khách hàng bằng một rừng quảng cáo.
Sức mạnh của OmniChannel: Right product in right place (nguồn ảnh: freshdesk.com)
5. Tại sao phải áp dụng Omnichannel?
5.1. Automation
Website Hoa Ban Food có tổng cộng 298,660 lượt truy cập.
Youtube Hoa Ban Food có tổng cộng 691,211,087 lượt xem.
Fanpage Hoa Ban Food có tổng 119,876 lượt theo dõi.
Giá thành thấp nhất cho một sản phẩm của Hoa Ban Food là Sâm Rừng 200,000đ/kg.
Với ngần ấy lượt visit, nếu đi qua chặng hành trình phễu lọc để ra được đơn hàng (với giá trị nhỏ nhất 200,000đ) thì chắc hẳn Hoa Ban Food giờ đã giàu to rồi Và chi phí nhân công cho Marketing là vô cùng thấp.
Đó là lợi ích đầu tiên của việc áp dụng Omnichannel. Các channels được integrated với nhau một cách tự động. Từ đó giúp tối ưu hóa quy trình bán hàng, tiết kiệm chi phí và bám sát khách hàng hơn.
5.2. Data
Lợi ích lớn nhất của việc áp dụng Omnichannel chính là nằm ở data thu thập về.
Anh Toản thường xuyên tới lui ở kênh nào nhất? Data cho thấy ảnh khoái xem Youtube và rất ít khi check mail (mail gửi đi với tỉ lệ opened là zero tròn trĩnh).
Anh Toản là vậy, còn anh Toàn thì rất hay check mail, onl facebook nhưng lại không bao giờ xem Youtube.
Anh Toán thì lại khác, anh này rất hay gọi điện trực tiếp đến cửa hàng hỏi về tình hình mật ong rừng. Chả bao giờ ổng thấy quảng cáo từ Hoa Ban Food vì có online bao giờ đâu mà thấy.
Trong số các anh, thì anh Toạn là người mà Hoa Ban Food thích nhất. Nơi nào, trận địa nào cũng có mặt ảnh hết. Vì anh này mới học cấp 3 thôi, còn trẻ trâu, nên mặt trận online nào cũng có mặt hết. Từ Youtube, Zalo, Facebook đến các website chơi game có mã Google Ads
Anh này là người gặp gỡ Hoa Ban Food nhiều nhất. Và Hoa Ban Food là người tiếp cận được ảnh nhiều nhất. Nhiều hơn hẳn Hoa Mai Food lẫn Hoa Đào Food.
Có 2 khía cạnh:
Một là Omnichannel cho phép tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh, một cách NHẤT QUÁN và CÓ Ý ĐỒ, MỤC ĐÍCH hơn. Việc tiếp cận khách hàng nhiều rất quan trọng, ai cũng biết. Bữa mình đọc đâu đó 1 thống kê nói rằng: Để mua hàng từ nhãn hàng A, người ta phải gặp nhãn hàng A này ít nhất đến 21 lần, rồi mới nảy sinh ý định mua hàng. (mới nảy sinh ý định thôi nhé anh em).
Hai là quá trình tiếp cận khách hàng này sẽ sinh ra rất nhiều data về behaviour của khách hàng đối với các kênh tiếp cận (Engagement Channels). Ông nào hay tới lui kênh nào, ông nào thích kênh nào, ghét kênh nào. Thời điểm nào là ổng phản hồi nhanh nhất, thời điểm nào là ổng “auto ignore” nhiều nhất.
Những dữ liệu này được tập hợp lại, xào nấu phục vụ report là tuyệt vời. Từ đó, khách hàng sẽ có những chiến dịch marketing nhắm chính xác và hiệu quả hơn.
That’s all! Bài dài rồi, mình muốn cắt bài này ra làm hai bài cho ngắn, dễ đọc. Nhưng sợ làm anh em đứt mạch suy nghĩ lúc đọc nên thôi để chung luôn. Một tuần mình chỉ ra 1 bài thôi, nên dài chút chắc cũng không sao
Hi vọng qua bài này anh em sẽ hiểu được 2 thứ: Omnichannel là gì và ứng dụng của nó ra sao. Hẹn gặp lại anh em ở những bài sau!!! See yaa!
Nguồn tham khảo
- brandsvietnam.com/11912-Hieu-ve-Omni-channel-marketing-de-tang-doanh-so
- omnichannel.me/what-is-omnichannel/
- blog.hubspot.com/service/omni-channel-experience
- shopify.com/enterprise/omni-channel-vs-multi-channel
Nguồn: thinhnotes.com