Kết hôn sau 3 đời được tính như thế nào?
Em muốn làm đăng ký kết hôn nhưng gặp phải một số vướng mắc khi không thể giải thích với gia đình và mọi người về cách tính huyết thống thế nào là 3 đời, thế nào là 4 đời. Vì vậy, em rất mong câu hỏi này của em được đăng trên báo để gia đình em và mọi người đồng ý công nhận chuyện hôn nhân của chúng em.
Em và anh ấy có quan hệ huyết thống như sau: Ông ngoại em là em ruột của ông nội anh ấy, mẹ em và bố anh ấy là anh em họ.
Theo như em được biết về Luật Hôn nhân Gia đình thì cách tính quan hệ huyết thống như sau: Người sinh ra ông ngoại em và ông nội của anh ấy là đời thứ nhất, ông ngoại em và ông nội của anh ấy là đời thứ 2, mẹ em và bố anh ấy là đời thứ 3 và đương nhiên chúng em là đời thứ 4. Chúng em đã giải thích nhưng ở quê thì mọi người xóm giềng, bạn bè lại không chấp nhận cách tính đó, 2 bên gia đình cho rằng bọn em mới chỉ là đời thứ 3 và cấm kết hôn. nt.thuy1982@...
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào khoản 13 điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn vừa nêu thì:
- Người sinh ra ông nội của bạn trai bạn và ông ngoại của bạn là đời thứ nhất;
- Ông ngoại của bạn, ông nội của bạn trai bạn là đời thứ hai;
- Cha, mẹ của bạn và cha mẹ của bạn trai bạn là đời thứ ba;
- Bạn và bạn trai bạn là đời thứ tư.
Tại khoản 3 điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định cấm kết hôn đối với những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Do vậy, bạn và bạn trai của bạn thuộc đời thứ tư nên không vi phạm quy định cấm kết hôn này.
Điều 9: Điều kiện kết hôn
Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.
Theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về quản lý hộ tịch thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn; Trong trường hợp cả hai bên nam, nữ là công dân Việt Nam đang trong thời hạn công tác, học tập lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, đã cắt hộ khẩu thường trú ở trong nước, thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú trước khi xuất cảnh của một trong hai bên nam, nữ.
Như vậy trường hợp của bạn trường hợp bạn và bạn trai đáp ứng điều kiện kết hôn quy định tại điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có quyền đăng ký kết hôn.